Mô hình trồng nấm rơm của anh Nguyễn Văn Hùng
Anh Nguyễn Văn Hùng hội viên hội nông dân Thôn Tú Nghĩa xã Bình Tú là một điển hình với mô hình làm nấm rơm. Anh Hùng cho biết sau nhiều năm đi làm ăn xa ở nhiều nơi nay đây, mai đó cuộc sống rất vất vả cơ cực, nhưng thu nhập không đủ sống, lại phải sống xa gia đình vợ con. Anh quyết tâm về địa phương để phát triển kinh tế gia đình. Với điều kiện đặc thù của một vùng quê cát trắng, trời nắng thì khô hạn, trời mưa thì ngập lụt các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, … đều không hợp và khó áp dụng. Được Hội nông dân xã Bình Tú triển khai các mô hình kinh tế hay, qua tìm hiểu anh nhìn thấy mô hình làm nấm rơm là mô hình dễ làm phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu thuận lợi của địa phương, cũng như tận dụng nguồn nguyên liệu trong sản xuất nông nghiệp sẵn có trên địa bàn, phù hợp với khu vườn cát trắng rộng gần 2.000m2của gia đình.
Bước đầu anh làm trước một trại nấm để thử nghiệm, anh cũng giống như các hộ làm nấm khác không tránh được khó khăn lúc ban đầu, nhưng với ý chí chịu khó, ham học hỏi, các tài liệu kỹ thuật, các kinh nghiệm học hỏi từ trao đổi kinh nghiệm trong hội viên, qua báo chí, internet đã được anh nắm bắt một cách cụ thể, đúc kết thành kinh nghiệm cho riêng mình. Và trời đã không phụ lòng người có ý chí, ham học hỏi, quyết tâm phát triển kinh tế gia đình. Sau tất những khó khăn mà anh trãi đã qua, giờ đây mô hình nấm rơm của anh đã đem lại hiệu quả, từ một trại lúc ban đầu đến nay anh đã phát triển được 5 trại (30 m2/trại) phục vụ cho việc ủ nấm đã được hình thành. Cùng với đó, Anh Hùng cũng đầu tư vào hệ thống xử lý rơm, phun sương, đèn chiếu sáng… để phục vụ cho việc trồng nấm sau mỗi mùa thu hoạch lúa, anh lại thuê hàng chục lao động để thu mua nguyên liệu rơm có sẵn có sẵn trên địa bàn về dự trữ đảm bảo cho sản xuất nấm, ổn định nguồn nguyên liệu lâu dài. Lúc nào anh Hùng cũng thu mua với một lượng nguyên liệu rơm rất lớn, nhờ vậy các hộ nông dân ở địa phương cũng có thu nhập nhờ bán rơm, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Công việc làm nấm của gia đình anh cũng giúp cho 3 đến 5 lao động tại địa phương có việc làm ổn định.
Trại trồng nấm của anh Hùng được lợp bằng lá, xung quanh che chắn bằng bạt, giàn trồng nấm được làm bằng tre, mỗi giàn có 3 kệ, khoảng cách mỗi kệ cách nhau 50 cm, bề rộng 80cm. Anh cho biết “Trồng nấm rơm trong nhà có nhiều ưu điểm hơn trồng ngoài trời, có thể điều chỉnh nhiệt độ bằng cách tưới nước trên nền sàn và lớp vải bạt được che chắn xung quanh. Còn nếu nhiệt độ lạnh thì mở tấm mê ca trên nóc trại và bạt xung quanh để cho ánh nắng vào. Đối với nấm rơm nhiệt độ thích hợp nhất là 30 – 35 độ C, ẩm độ 80 – 90%. Vào ban đêm trời lạnh thì sử dụng đèn tròn loại 70W để sưởi ấm”. Rơm mua về được anh loại bỏ cọng thối, nát, sau đó ngâm nước vôi khoảng 10 phút rồi vớt ra. Số rơm này sẽ được ủ trong khoảng 7-8 ngày, rồi 5 ngày tiếp theo là giai đoạn cấy giống và một tuần sau đã bắt đầu cho thu hoạch nấm. Trong suốt quá trình đó, chỉ cần thường xuyên quan sát, theo dõi để tùy tình trạng nấm mà điều chỉnh ánh sáng hoặc độ ẩm cho nấm đạt chất lượng và năng suất như mong muốn.Như vậy, từ giai đoạn ủ đến khi bắt đầu thu hoạch mất khoảng ba tuần. Liên tục trong một tuần tiếp theo, mỗi ngày gia đình Hùng thu hoạch được khoảng 10-15 kg nấm rơm cho mỗi trại nấm. Cùng với các loại phụ liệu như nước vôi, tiền điện, nước và công lao động, toàn bộ chi phí cho mỗi trại trồng nấm rơm vào khoảng 700.000 đồng. Trong khi đó, giá bán mỗi cân nấm hiện nay vào khoảng 80.000 đồng, thu hoạch mỗi ngày 10-15 kg. Cứ tính bình quân mỗi tháng thu hoạch trong 8 ngày, thì một trại nấm mang lại cho gia đình khoảng 6-7 triệu đồng. Như vậy, sau khi trừ đi chi phí, bình quân một tháng mỗi trại trồng nấm mang về mang về cho anh xấp xỉ 6 triệu đồng. Mỗi tháng, các trại nấm thay phiên cho ra sản phẩm, mang lại thu nhập ngót 12 -14 triệu đồng cho cả gia đình. Chưa kể phần bã rơm sau khi sử dụng cũng được anh tận dụng làm phân bón, tăng gia sản xuất.
Các trại nấm được bố trí rất khoa học, đẹp mắt
Không chỉ sản xuất đơn giản, tiêu thụ nấm rơm hiện nay cũng đang rất thuận lợi bởi đây là sản phẩm có nhiều lợi ích cho sức khỏe, lại không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, khiến người tiêu dùng rất yên tâm và ưa chuộng. “Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đó” Ngoài mô hình làm nấm rơm rất hiệu quả anh Nguyễn Văn Hùng còn là Hội viên hội nông dân, trưởng thôn Tú Nghĩa một người cán bộ luôn nhiệt tình, năng động, có tâm huyết và trách nhiệm với công việc được giao. Những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống của bà con nông dân đều được anh nắm bắt và chia sẻ kịp thời. Các phong trào thi đua của hội được anh tích cực tham gia, các diễn đàn của Hội nông dân anh tham gia đầy đủ, sẵn sang trao đổi truyền đạt kinh nghiệm hay của mình cho các hội viên khác, anh luôn vui tươi, phấn khởi, tạo tình đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ các hội viên cùng phát triển kinh tế gia đình, làm giàu và giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Ông Đỗ Văn Kế Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết “ mô hình trồng nấm rơm của anh Nguyễn Văn Hùng là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả mà Hội nông dân xã triển khai trong những năm gần đây. Do vậy, thời gian tới Hội tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trồng nấm rơm. Song song đó, tiếp tục có hướng hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật trồng, cũng như tìm kiếm các kênh tiêu thụ trên thị trường giúp các hội viên ổn định kinh tế gia đình. Cách làm này sẽ tạo tiền đề thúc đẩy ngành nông nghiệp của xã nhà phát triển, đa dạng hàng hóa, nâng cao tỷ trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
T.P