Sự kiện lịch sử:
Theo thần thuyết được dân gian lưu truyền lại cũng như qua một số tài liệu đã giới thiệu: Trong tài liệu gốc chữ Hán còn lưu giữ “Thần nữ linh ứng truyện” biên soạn ngày 26 tháng 12 Khải Định năm thứ 4 (1919) do Đồng Tam giáp Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn - Gia nghị đại phu – Bộ thị lang chí sĩ Hồ Mộng, tên húy là Lượng ở châu, về hưu và người cùng viết là Ông Nguyễn Bội Bửu (Học) (một hậu học sinh cùng ở xã Hưng Thạnh Đông, tổng Đông Thạnh hạ, trấn Lễ Dương, phủ Thăng Bình) tại trang 02 bản gốc chữ Hán có ghi: Tạo hóa chi tích, âm dương chi tinh thỉ sở vị thần nhiên. Thiên thần diệc hữu nhơn thần, càn đạo bất vô khôn đạo. Kỳ kiến ư ngô châu giả Vân Nam chi Nam Bảo Ngọc, Từ Ấn Sơn chi điện Tiên nương, từ Bô Bô phu nhân, từ vu Thu Bồn Thái Dương phu nhân, từ vu Phô Thị quân dĩ anh thư vĩ tích hích dịch nhân hoàn. Cố tầm vật sự giả, thượng đạp nhiên ư trung hưng...
Dịch ý: Dấu tích của tạo hóa, tinh hoa của âm dương lưu lại gọi là thần. Có nhiên thần cũng phải có nhân thần, có đạo trời phải có đạo đất. Điều này thấy ở châu ta như đền Nam Bảo Vương ở Vân Nam, đền Tiên Nương trên đỉnh Ấn Sơn(*), đền Bồ Bồ phu nhân ở Thu Bồn, đền Thái Dương phu nhân ở Phô Thị… đều lấy những thành tích vĩ đại của các đấng anh thư làm tấm gương rạng rỡ trong nhân gian. Chú ý tìm tòi ghi chép các truyện mà ít nười biết đến, nhận thấy còn rất nhiều; nhưng tất cả đều ở trước thời trung hưng...
Hoặc theo bài viết của Lê Duy Anh đăng trong tạp chí Bán Nguyệt san Xưa và Nay số 100, tháng 9 năm 2001- cơ quan Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã miêu tả: Bà Phô Thị chính danh là bà Nguyễn Thị Ngọc Liêu, cũng còn có tên Nguyễn Thị Thái Dương, nguyên quán Gia Miêu, huyện Tống sơn, Thừa Tuyên Thanh Hóa (Thanh Hóa). Bà là trưởng nữ của Thái Úy Trình Quốc công Nguyễn Đức Trung (quan trấn thủ đầu tiên của thừa tuyên Quảng Nam từ năm 1471 - 1475), cháu nội của công thần khai quốc khởi nghĩa Lam sơn Thái Bảo Hoàng quốc công Nguyễn Công Duẫn, chị ruột của Trường Lạc Hoàng hậu Nguyễn Thị Ngọc Hằng (còn gọi là Ngọc Huyền), là vợ của Hoàng Đế Lê Thánh Tông, mẹ của Vua Lê Hiến Tông). Và cũng là chị của Thượng Tế Nguyễn Văn Lang (có sử liệu nói ông là con của ông Trình quốc Công Nguyễn Đức Trung. Cũng theo Nguyễn Phúc tộc thể phả thì nói ông là con của Thái Úy Sáng Quốc công Nguyễn Văn Lỗ, gọi tướng Nguyễn Đức Trung bằng Bác ruột).
Như vậy, đối với Nguyễn Phúc tộc, Bà Phô Thị là cô 3 đời của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và là bà Tổ cô 12 đời của Vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh (Gia phả tộc Nguyễn ghi là Phúc Anh).
Đối với nhà Hậu Lê thời Lê sơ, cũng như bà Ngô Thị Ngọc Thung (Ngọc Xuân) hiệu là Ngọc Viên, thứ nữ của Chương Khánh công Ngô Tử, mẹ của hai Hoàng tôn Lê Tấn Triều và Lê Tấn Trung, chị ruột bà Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ Lê Thánh Tông thuần Hoàng đế). Bà Ngô Thị Ngọc Thung được vua Lê Thái Tông sắc phong là “Hoa Dung công chúa”, còn bà Nguyễn Thị Ngọc Liên thì được vua Lê Thánh Tông sắc phong “Phô Thị công chúa”.
Công chúa Phô Thị là vợ của tả tướng Khắc vũ hầu Lê Thập (còn gọi Lê Công Quận hoặc Lê Đại Lang), nên văn bia tại lăng mộ của Lê Thập tại xã Quế Phú (huyện Quế Sơn, Quảng Nam), có ghi là bà Phu nhân Nguyễn Thị Mười (Thập), và người đời bấy giờ quen gọi là bà Mười (cho đến ngày nay người đời vẫn thường lấy tên chồng để gọi thay chính danh). Tả tướng Khắc vũ hầu Lê thập là con trưởng của Thái úy Xương quốc công Lê Khiêm cháu nội của Hoang Dũ vương Lê Trừ, gọi Đức Thái Tổ Cao hoang đế Lê Lợi bằng “Ông nội chú”.
Trong chiến dịch thân chinh bình Chiêm mở cõi của vua Lê Thánh Tông vào ngày mồng bảy tháng Giêng năm Tân Mão (1471), tướng Lê Thập chồng bà tham gia chỉ huy đạo tà quân, còn bà Phô Thị thì theo vua, phụ trách quân lương cho tiền tuyến. Lương thực bấy giờ chủ yếu là “lúa luộc chín sấy khô” (gạo nấu thành cơm sấy khô thì rất dễ bảo quản và tích trữ được lâu ngày; khi cần có thể giã thành gạo chín rồi ngâm nước sẽ thành cơm. Vấn đề này đã được Tướng hậu cần Nguyễn Như Đỗ trình bày rõ với Vua Lê.
Vào đầu tháng 02/1471 khi đoàn thuyền vận chuyển quân lương của Đại Việt từ cửa Đại (còn có các tên là cửa Đợi, cửa Đại Chiêm) vào ngả Hội An, dọc theo Trường Giang, rẽ vào nhánh sông nhỏ thuộc địa phận xứ Phú Vinh, gặp phải giặc Chiêm chặn đánh. Nhằm bảo toàn quân lương không để rơi vào tay giặc, bà Phô Thị đã dũng cảm xông pha trước làn tên, mũi đạn. Thế rồi, chẳng may Bà bị tử thương nơi cánh rừng (sau trở thành cánh đồng làng) cách bờ sông khoảng 300m. Sự dũng cảm và hy sinh cao cả của Bà tạo khí thế cho hùng binh Đại Việt xông lên quyết tử, phá tan được giặc.
Tương truyền, sau khi hi sinh, Bà rất hiển linh. Trong một đêm nọ, Bà đã linh ứng mách bảo cho vua Lê Thánh Tông cùng thân phụ của mình rằng: giặc Chiêm dưới quyền thống lãnh của Thân vương Trà Toại cùng các tướng Chiêm sẽ rút về Đồ Bàn qua ngã Thượng đạo… Vua Lê chợt tỉnh giấc liền sai tướng Nguyễn Đức Trung, đem 2 vạn quân bộ phục sẳn tại triền núi Mộ Nô (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi). Đồng thời, bí mật sai Tả du kích tướng quân Lê Hy Cát và Hoàng Nhân Thiêm. Tiên phong tướng quân Lê Thế và Trịnh Văn Sái, hai hoàng tôn huynh đệ Lê Tấn Triều, Lê Tấn Trung cùng tả tướng Lê Thập, đem hơn 500 thuyền chiến và 3 vạn tinh binh chèo gấp vào của Sa Kỳ (huyện Bình Sơn – Quảng Ngãi) đào hào đắp lũy, chặn đường rút lui của đại quân Chiêm từ Chiêm Động kéo về Đồ Bàn.
Ngày mồng 7 tháng 2 năm 1471 Vua Lê đích thân cho dựng cờ Thiên Tử. Quân Chiêm sợ hãi cuống cuồng, mất nhuệ khí chiến đấu, hoảng sợ tan vỡ, chạy đến đâu cũng bị quân ta chặn đánh. Giặc bèn chạy về hướng núi phía Tây, bị các tướng Lê Niệm, Ngô Hồng thúc quân ra đánh, giặc chạy lên núi, lại bị tướng Nguyễn Đức Trung chỉ huy quân phục đánh. Xác người, ngựa, quân tư trang bỏ lại đầy núi, đầy đường. Một Đại tướng và 300 quân Chiêm phơi xác tại chỗ, 60 tên giặc bị bắt sống. Chiến thắng này đưa đến đại thắng chiếm kinh thành Đồ Bàn (01/3/1471).
Để tưởng niệm sự hy sinh cao cả và sự hiển linh của Bà, Vua Lê Thánh Tông sắc chỉ cho lập đền thờ tại nơi Bà mất và xứ Phú Vinh Đông, được cải địa danh thành làng Phô Thị. Qua sự tích về công đức của bà, năm Gia Long thứ 4 Ất Sửu (1805), đền thờ bà được nhà vua cho tu sửa lại kiên cố hơn.
Và rồi lại có câu chuyện kể rằng: Đầu tháng 3 năm Canh Thìn (1820), khi đoàn voi ngựa của Tả quân Quận Công Tổng trấn Gia Định thành là Lê Văn Duyệt đi ngang qua địa phận của hai làng Phô Thị và Trà Long thuộc huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, thừa tuyên Quảng Nam (làng Phô Thị nay là đội 15 thôn Tú Phương, xã Bình Tú. Còn làng Trà Long thuộc xã Bình Trung – cả hai đều thuộc huyện Thăng Bình, Quảng Nam); đoàn voi ngựa bổng nhiên chững lại, ngựa thì hí nhảy chồm hai chân trước lên, còn voi thì cắm vòi xuống đất. Trong đó, con voi đầu bầy quỳ xuống, vươn vòi hướng về lăng thờ Bà Phô Thị, đưa vòi lên xuống thể hiện như động tác lạy.
Quận công Lê Văn Duyệt trông thấy làm lạ, bèn rời bành voi bước xuống hỏi các bô lão trong làng cơ sự. Sau khi được các bô lão địa phương cho biết cách đó 2500 mét có ngôi đền thờ bà Phô Thị và kể sự tích lai lịch về Bà. Thế rồi, bằng sự cung kính cẩn trọng. Quận công Lê Văn Duyệt chấp tay thưa rằng: “Thần là người đời sau, vốn họ Lê, may tới nơi này, được bà Linh Nhân Thái Dương lại cũng vốn dâu nhà họ Lê, vợ của quan đầu tiên trấn thủ Thăng Hoa phủ, Quảng Nam đạo Lê Thập. Vì sơ suất thần xin chịu thất lễ kính với bà. Xin bà linh ứng cho đoàn voi ngựa của thần dun dủi, cho kịp ra kinh sư Phú Xuân dự lễ đăng quang của Hoàng đế Minh Mạnh. Xong lễ trở về, thần sẽ có bổn phận tôn tạo lại lăng miếu thờ Bà”.
Vào mùa thu năm 1820, Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt đã phái tùy tướng từ Gia Định ra Quảng Nam phối hợp với quan huyện Lễ Dương (phủ Thăng Bình) và dân hai làng trên dựng lại lăng miếu thờ Bà có phần trang trọng hơn trước.
Giá trị khoa học lịch sử:
Là một lăng miếu thờ liệt nữ vì nước quên mình, được xây dựng lâu đời, luôn được nhân dân địa phương rất sùng bái. Ngôi lăng miếu không những có giá trị về mặt di tích lịch sử mang dấu ấn của thời mang gươm mở cõi của dân tộc; mà còn là một di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đặc hữu của địa phương Thăng Bình, Quảng Nam. Rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa này.